Ngày Môi trường Thế Giới diễn ra vào ngày 5/6 hàng năm. Với phương châm “Only One Earth (Chỉ một Trái Đất)”. Đây là thời điểm để tất cả các quốc gia xích lại gần nhau và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất này. Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường thực sự là chủ đề nóng được toàn cầu quan tâm. Chính vì vậy Ngày Môi trường Thế giới là sự kiện được mọi người trên thế giới mong chờ hàng năm nhằm tìm ra các giải pháp bảo vệ môi trường ngày càng tốt đẹp hơn.
1. Ngày môi tường thế giới là gì? Bắt nguồn từ đâu?
Ngày môi trường thế giới là ngày mà người dân trên toàn thế giới cùng tham gia các hoạt động khác nhau do tổ chức UNEP tổ chức để bảo vệ môi trường và ‘chăm sóc’ cho Trái Đất của chúng ta.
Tròn 50 năm trước, ngày 5/6/1972 Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về Môi trường con người – Hội nghị Stockholm năm 1972 dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP). Chủ đề “Chỉ Một Trái Đất” là chủ đề trọng tâm trong Hội nghị Stockholm cách đây 50 năm, đến nay chủ đề này vẫn đang được nhiều người quan tâm đến vì hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là không gian cho sự tồn tại và phát triển của con người, sinh vật và thiên nhiên, nơi có những nguồn tài nguyên hạn chế mà nhân loại phải bảo vệ và gìn giữ.
Ý tưởng về Ngày Môi trường Thế giới vào ngày 5 tháng 6 xuất hiện khi mọi người nhận thức rõ hơn về sự suy thoái môi trường và tác động của con người lên hành tinh. Vì vậy, Hội nghị Stockholm năm 1972, với thông điệp rằng loài người chỉ có một ngôi nhà để sinh sống, đó là trái đất, và hoạt động của con người là yếu tố then chốt quyết định tương lai của chúng ta, được coi là cột mốc đánh dấu những nỗ lực chung của toàn thể nhân loại để bảo vệ môi trường.
2. Sự thật về môi trường
Mỗi năm, các yếu tố môi trường cướp đi sinh mạng của khoảng 13 triệu người. Tránh những cú sốc khí hậu tồi tệ nhất có thể giúp ngăn ngừa thêm 250.000 ca tử vong do thời tiết mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050, chủ yếu là do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và say nắng.
Giao thông gây ra khoảng 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các giải pháp thay thế như đi bộ và đạp xe không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính và sức khỏe tâm thần tốt hơn.
Hệ thống sản xuất, đóng gói và phân phối thực phẩm chiếm một phần ba lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Sản xuất bền vững hơn sẽ giảm tác động đến khí hậu và hỗ trợ một chế độ ăn uống phong phú, dinh dưỡng tốt hơn có thể ngăn ngừa gần 11 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Hệ thống y tế là tuyến phòng thủ chính cho các nhóm dân cư đang đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe đang nổi lên. Đa dạng sinh học đang bị mất đi với tốc độ nhanh chóng, tác động đến sức khỏe của con người trên toàn nhân loại và làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hại gần đây.
Vì vậy, con người phải nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường mà nhân loại phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nhựa, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, tiêu dùng bền vững, mực nước biển dâng cao và an toàn thực phẩm.. để nhìn nhận lại và thay đổi cách sống tốt hơn, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta.
3. Thông điệp Only One Earth (chỉ một trái đất)
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới hàng năm là thu hút sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới về tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị cũng như hành động vì môi trường. Mỗi năm, Liên hợp quốc chọn một thành phố ở một quốc gia thành viên để tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới.
Chính phủ và thành phố đăng cai sẽ làm việc vào năm với Tổ chức Liên hợp quốc UNEP (Môi trường) để tổ chức sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và biểu trưng đã được chọn phù hợp với xu hướng môi trường cấp bách của năm nay để làm xương sống cho các tài liệu tuyên truyền Ngày Môi trường Thế giới cùng với các hoạt động và thực tiễn khác trên thế giới.
Chiến dịch #OnlyOneEarth (Chỉ một trái đất) toàn cầu nhân Ngày Môi trường Thế giới 2022 kêu gọi những thay đổi mang tính chất chuyển đổi trong các chính sách và quyết định để cho phép sống sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn, hài hòa với thiên nhiên. Nó sẽ tập trung vào nhu cầu sống bền vững hòa hợp với thiên nhiên và khả năng chuyển đổi sang lối sống xanh hơn thông qua các chính sách và quyết định của cá nhân.
“Only One Earth” là phương châm của hội nghị Stockholm năm 1972, sau 50 năm trôi qua thì mục đích này vẫn phù hợp hơn bao giờ hết: hành tinh là ngôi nhà duy nhất của chúng ta và nhân loại cần bảo vệ các nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Năm 2022 là một cột mốc lịch sử đối với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và cộng đồng môi trường toàn cầu. Nó đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập UNEP do kết quả của Hội nghị Stockholm. Nó cũng trùng với hội nghị thượng đỉnh quốc tế Stockholm +50. Những sự kiện mang tính biểu tượng này là cơ hội để cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và thể hiện vai trò của các nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội bền vững hơn.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người cần có những biện pháp bảo vệ môi trường khẩn cấp và hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu lấy trái đất của chúng ta. Hãy cùng nhau hợp tác để giúp hành tinh xinh đẹp và độc đáo này vẫn là ngôi nhà thân yêu của con người và thiên nhiên trong sự hài hòa và cân bằng!
Leave A Comment